Trẻ em là đối tượng cần được quan tâm, bồi dưỡng tình cảm và tâm lý từ rất sớm. Trong đó, đặc biệt nhất phải kể đến lứa tuổi mầm non và tuổi dậy thì. Ba mẹ hãy cùng tìm hiểu về sự phát triển tâm lý trẻ em để đồng hành cùng con khôn lớn và trưởng thành nhé!
* Tìm hiểu về sự phát triển tâm lý trẻ em
Tâm lý học nghiên cứu đặc điểm về suy nghĩ, hành vi, quá trình phát triển tư duy, nhận thức và cảm xúc của con người. Tâm lý học trẻ em tập trung vào đối tượng trẻ từ 0 đến 16 tuổi. Đây cũng chính là những giai đoạn quan trọng khi con bước vào độ tuổi mầm non, tiểu học và trung học (dậy thì).
Phát triển tâm lý trẻ em được hiểu là quá trình trẻ tiếp nhận, tương tác với xã hội. Từ đó, trẻ hình thành và phát triển khả năng nhận thức, tình cảm.
Ví dụ: Trẻ sơ sinh phát triển tâm lý thông qua tương tác cảm xúc với người lớn. Khi được mẹ vỗ về, cho bú, bé sẽ cảm thấy yên tâm. Bé sẽ dần nhận biết được các dấu hiệu mình được cho ăn, được chăm sóc.
Hầu hết tâm lý trẻ sẽ phát triển mạnh mẽ vào giai đoạn 6 năm đầu đời. Con tiếp thu và bắt chước người lớn rất nhanh. Vì vậy, vấn đề phát triển tâm lý trẻ em ở lứa tuổi mầm non rất được coi trọng.
* Sự phát triển tâm lý trẻ em lứa tuổi mầm non
Có nhận định cho rằng, trẻ em lứa tuổi mẫu giáo có tốc độ phát triển nhanh. Sự thay đổi có thể tính được trong hàng tháng, thậm chí hàng tuần.
Vậy sự phát triển tâm lý trẻ mầm non có những đặc điểm như thế nào?
Nhiều ba mẹ cảm thấy phiền khi phải liên tục giải đáp những câu hỏi tò mò của bé ở độ tuổi mầm non: “cái gì?”, “tại sao?”, “như thế nào”… Mọi thứ với con đều mới lạ và cần được tìm hiểu.
Con trong độ tuổi này luôn bị hấp dẫn bởi những thứ mới mẻ và nhiều sắc màu. Vì thế, ba mẹ có thể bắt đầu dạy bảng màu sắc cho bé ngay từ độ tuổi mầm non. Hãy luôn kiên nhẫn dành nhiều thời gian và chậm rãi giảng giải cho con về những điều thắc mắc.
Đây cũng được xem là quá trình giáo dục giúp con có thêm kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc sống. Thông qua những gì tiếp thu được, con sẽ phát triển trí thông minh và cả tư duy.
Bé ở lứa tuổi mầm non luôn muốn mình là trung tâm của mọi cuộc trò chuyện. Con làm mọi thứ để thu hút sự chú ý từ mọi người, đặc biệt là với những người thương yêu như ba mẹ, ông bà…
Các ba mẹ thường cho rằng con ngang bướng và ích kỷ khi mè nheo, ăn vạ hoặc khóc nhè. Thật ra, đây là những biểu hiện tâm lý dễ gặp ở trẻ em lứa tuổi này. Đây là dấu hiệu con muốn được ôm ấp, vỗ về, muốn được quan tâm nhiều hơn.
Bên cạnh đó, con sẽ lớn lên mỗi ngày, bắt đầu độc lập trong suy nghĩ và hình thành cái tôi. Con muốn được người lớn chú ý và công nhận điều đó. Tuy nhiên, con chưa biết cách diễn đạt và gọi tên điều mình muốn.
Ba mẹ có thể giúp con gọi tên cảm xúc và xoa dịu đúng cách. Từ đó, quá trình phát triển tâm lý trẻ em sẽ diễn ra theo hướng tích cực hơn.
Bước qua giai đoạn nhũ nhi và ấu nhi, trẻ ở lứa tuổi mầm non bắt đầu hòa nhập xã hội. Thời gian ba mẹ ở cạnh con ít dần đi. Con bắt đầu có những mối quan hệ ngoài gia đình như bạn bè, thầy cô. Những điều mới mẻ này dễ khiến con hoang mang, lo sợ.
Vì thế, con muốn có nhiều thời gian bên ba mẹ, nằm trong vòng tay yêu thương như lúc còn bé. Càng chống đối với những thay đổi từ môi trường, con càng muốn được yêu thương nhiều hơn. Hiểu được tâm lý đó, ba mẹ nên động viên và dành nhiều thời gian chất lượng bên con.
Từ 3 – 6 tuổi, trẻ có xu hướng muốn tự chăm sóc bản thân và phụ giúp ba mẹ những việc đơn giản. Trẻ muốn thể hiện bản lĩnh và cái tôi của mình. Trong quá trình tiếp xúc với thế giới bên ngoài, trẻ cũng bắt đầu học cách bắt chước người khác.
Ba mẹ nên tạo điều kiện để con được tự chủ trong một số vấn đề. Hãy để trẻ được phép làm những việc trong tầm kiểm soát, dưới sự hướng dẫn của phụ huynh. Đây là bước đầu giúp con có ý niệm về tự lập. Việc làm này không chỉ tốt cho sự phát triển tâm lý trẻ em, mà còn trang bị kỹ năng sống cần thiết cho con sau này.
Ba mẹ có thể đóng vai trò người tư vấn, hỗ trợ trẻ. Ví dụ, ba mẹ hướng dẫn con cách lên kế hoạch học tập hiệu quả. Từ đó, con sẽ có định hướng và dễ ra quyết định hơn.
Trẻ lứa tuổi mầm non bắt đầu có sở thích cá nhân; biết lựa chọn và thể hiện thái độ yêu, ghét với những điều cụ thể. Ba mẹ không nên bỏ qua giai đoạn vàng này để hướng dẫn con có những sở thích lành mạnh.
Bên cạnh đó, ba mẹ cũng nên bồi dưỡng yếu tố tinh thần để con biết yêu thương bản thân hơn. Hãy dạy con những phẩm chất tốt đẹp, vun bồi nhân cách và hướng đến sự chân – thiện – mỹ. Từ đó, con sẽ ngày càng trở nên tự tin hơn với những kiến thức và kỹ năng được tích lũy.
Theo Viện Tâm lý học Truyền thông, về cơ bản có 5 yếu tố tác động đến sự hình thành và phát triển tâm lý trẻ em. Các yếu tố đó lần lượt là: văn hóa xã hội, giao tiếp, hoạt động, điều kiện sinh học và giáo dục.
Hãy cùng tìm hiểu những tiêu chí này ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển tâm lý trẻ em để ba mẹ có thể điều chỉnh phù hợp nhé.
Văn hoá là những giá trị vật chất và tinh thần, do con người sáng tạo nên. Văn hoá xã hội phản ánh trình độ phát triển, khả năng nhận thức và tiêu chuẩn sống trong từng thời kỳ. Con người là chủ thể sáng tạo nên các sản phẩm văn hóa. Ngược lại, văn hoá xã hội sẽ tác động đến quá trình hình thành nhân cách, nuôi dưỡng tâm hồn.
Ngay từ khi được sinh ra, mỗi đứa trẻ đã được tiếp nhận văn hóa của loài người. Điều này là nguồn gốc hình thành tâm lý ở trẻ em. Trẻ lớn lên trong xã hội và thừa hưởng những quy tắc, chuẩn mực, đạo đức, cách hành xử riêng. Nếu tách trẻ ra khỏi xã hội này, trẻ không thể phát triển bình thường.
Câu chuyện về những cậu bé, cô bé lớn lên với bầy sói, đàn khỉ là mình chứng cho sự phát triển tách biệt với văn hóa loài người. Yếu tố văn hoá là cái nôi cho sự hình thành và phát triển tâm lý trẻ em.
Giao tiếp là các hoạt động tương tác giữa người với người, thông qua ngôn từ, cử chỉ, điệu bộ. Khi sinh ra, con người đã có nhu cầu giao tiếp. Giao tiếp để kết nối với ông bà, ba mẹ, với mọi vật xung quanh. Đây là hoạt động diễn ra sớm nhất trong cuộc đời mỗi đứa trẻ.
Nếu không có sự tương tác, con người dễ cô đơn và sinh ra nhiều bệnh tâm lý. Thông qua giao tiếp, con người có thể biểu đạt nhu cầu, tư tưởng, tình cảm, kinh nghiệm và vốn sống của mình.
Khi giao tiếp với người lớn, trẻ được thỏa mãn nhu cầu tình cảm. Từ đó, trẻ sử dụng giao tiếp để lĩnh hội các giá trị cuộc sống, phát triển tâm lý. Vì vậy, giao tiếp được xem là nền tảng để phát triển tâm lý trẻ em nên ba mẹ cũng cần giúp con bước ra khỏi “vùng an toàn” để hòa nhập hơn.
3. Hoạt động với sự phát triển tâm lý trẻ em
Hoạt động là sự tác động qua lại giữa con người với thế giới khách quan và với chính bản thân mình. Đây là cách thức giúp con người tồn tại.
Nếu không hoạt động, trẻ không có sự tiếp xúc với thế giới quan. Điều này làm cản trở quá trình phát triển tâm lý ở trẻ. Sự hình thành và phát triển tâm lý trẻ em phụ thuộc vào hoạt động chủ đạo theo từng thời kỳ, cụ thể như sau:
• Bé 0 – 12 tháng: Hoạt động chủ đạo là giao tiếp xúc cảm với người lớn.
• Bé 12 – 36 tháng: Hoạt động chủ đạo là tương tác với đồ vật.
• Bé 3 – 6 tuổi: Hoạt động chủ đạo là vui chơi, khám phá thế giới xung quanh.
• Bé 6 – 12 tuổi: Hoạt động chủ đạo là học tập.
• Bé 12 – 16 tuổi: Hoạt động chủ đạo là giao tiếp với bạn bè.
Ở mỗi độ tuổi, ba mẹ sẽ cần giúp con lựa chọn các hoạt động phù hợp giúp con phát triển tốt nhất. Đặc biệt, ba mẹ đừng bỏ lỡ các thời điểm vàng giúp con tiếp thu các kiến thức và kỹ năng. Đây cũng chính là lý do tại sao mà nhiều ba mẹ dạy bé học tiếng Anh tại nhà, tạo điều kiện cho con tiếp xúc ngoại ngữ sớm…
4. Điều kiện sinh học nhận được từ ba mẹ
Điều kiện sinh học là những yếu tố di truyền mà con nhận được từ ba mẹ. Các yếu tố như: màu da, màu tóc, hình dáng, thân thể, hệ thần kinh và một số đặc điểm riêng biệt (tiếng nói, đi hai chân, khả năng tiếp nhận kinh nghiệm và kiến thức).
Ngoài ra, điều kiện sinh học còn là những yếu tố bẩm sinh mà con nhận được từ mẹ trong quá trình thai nghén. Cụ thể là bệnh tật, cách sống của mẹ, ảnh hưởng của tia phóng xạ và chất độc mà bố mẹ bị nhiễm.
Những đặc điểm di truyền và yếu tố bẩm sinh kể trên góp phần vào sự phát triển tâm lý ở trẻ. Nếu có nhiều lợi thế về đặc điểm sinh học, trẻ sẽ phát triển về nhận thức và tâm lý. Ngược lại, nếu được thừa hưởng đặc điểm sinh học không tốt, trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển tâm lý.
Giáo dục là sự tác động có kế hoạch, có mục đích để hình thành nhân cách, kiến thức, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Giáo dục có vai trò chủ đạo trong quá trình phát triển tâm lý trẻ em, cụ thể:
• Giáo dục giúp trẻ phát triển nhận thức: Đây là điều đặc biệt chỉ có ở giáo dục mà những yếu tố di truyền hay môi trường tự nhiên không có. Trẻ có thể không cần “giáo dục” vẫn biết ăn, ngồi, đi đứng, nói năng… Tuy nhiên, trẻ sẽ không thể biết chữ, biết đọc, biết viết nếu không được ai dạy.
• Giáo dục giúp phát huy các điểm mạnh: Thông qua giáo dục, bạn có thể phát hiện đặc điểm, cá tính riêng biệt của từng trẻ. Từ đó, bạn có cách tiếp cận phù hợp để giúp trẻ học hỏi từ người lớn và mọi thứ xung quanh.
• Giáo dục có thể uốn nắn những điểm chưa tốt: Nếu không may sinh ra trong môi trường chưa tốt, tâm lý trẻ sẽ bị ảnh hưởng. Lúc này, giáo dục sẽ giúp trẻ điều chỉnh suy nghĩ, hành vi trở nên đúng đắn hơn. Từ đó, trẻ có sự phát triển tích cực hơn, phù hợp với những quy chuẩn của xã hội.
Xã hội ngày càng hiện đại, các vấn đề về sức khỏe tinh thần ngày càng được chú ý và coi trọng. Gia đình, trường học và xã hội có sự tác động mạnh mẽ đến phát triển tâm lý trẻ em. Khi ba mẹ có hiểu biết về tâm lý, con sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn vì được thấu hiểu và đồng cảm.
Chúc ba mẹ luôn có niềm tin vững vàng khi đồng hành cùng con trong suốt quá trình khôn lớn và trưởng thành nhé!
bối rối, giai đoạn, khủng hoảng, lo lắng, nổi loạn, tuổi dậy thì, kiến thức, tâm lý, trẻ em, xử lý, xung đột, hiệu quả, tổn thương, sau này, quan tâm, bồi dưỡng, tình cảm, đặc biệt, lứa tuổi, mầm non, tìm hiểu
Ý kiến bạn đọc