Rss Feed

Danh mục

Webmail

Thống kê

  • Đang truy cập: 75
  • Hôm nay: 1941
  • Tháng hiện tại: 1941
  • Tổng lượt truy cập: 10208697

Hỗ trợ online

Quản trị mạng

Name: Nguyễn Quang Mười
Ban biên tập

Name: HT: Hoàng Thị Cúc

Name: Lê Thị Diệc

Name: Nguyễn Thị Huyền Trang

CHUYÊN ĐỀ XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC TRẺ LÀM TRUNG TÂM

Đăng lúc: Chủ nhật - 16/02/2020 21:35 - Người đăng bài viết: Nguyễn Thị Vân
CHUYÊN ĐỀ “XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC LẤY TRẺ LÀM TRUNG TÂM”
Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng nói:
"Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan."
Đúng thế, trong dạy học ngoài việc chăm sóc cho trẻ những bữa ăn ngon, những giấc ngủ tốt thì việc tổ chức cho trẻ học tập và vui chơi đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Trong đó vai trò quyết định chính là “Môi trường giáo dục cho trẻ mầm non”. Để giúp trẻ phát triển toàn diện về “Đức- trí- thể- mỹ”, vào từ đầu năm học, trường mầm non Lâm Thủy đã tích cực chỉ đạo “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm".
 Để thỏa mãn nhu cầu vui chơi và hoạt động của trẻ theo phương châm “Học mà chơi, chơi mà học”, trường mầm non Lâm Thủy đã xây dựng một môi trường học an toàn, lành mạnh. Các khu vực chơi, học tập trong lớp và ngoài trời phù hợp, thuận tiện, có ý nghĩa không chỉ đối với sự phát triển thể chất mà còn thoả mãn nhu cầu nhận thức, mở rộng hiểu biết của trẻ, kích thích trẻ hoạt động tích cực, sáng tạo.
Nằm trên địa bàn xã miền núi biên giới đặc biệt khó khăn. Đa số bà con dân tộc đời sống còn nghèo, chưa có điều kiện quan tâm con cái nên khó khăn cho nhà trường trong việc huy động nguồn lực từ xã hội hóa giáo dục. Mặc dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn là thế song nhận thấy tầm quan trọng của hoạt động vui chơi cho trẻ trong trường học, BGH nhà trường đã đầu tư mua đồ dùng đồ chơi ngoài trời như: đồ chơi liên hoàn, cầu trượt, bập bênh, xây dựng khu vui chơi thể thao bóng rổ... để cho trẻ được vui chơi, trải nghiệm, phát triển thể chất và bắt nhịp với học sinh miền xuôi.
Nhằm tạo cho trẻ cảm giác thoải mái khi ra ngoài trời, giúp trẻ được hòa mình vào thiên nhiên, các cô giáo đã tận dụng các nguyên vật liệu phế thải như săm, lốp ô tô, xe máy để tạo nên những con vật thật ngộ nghĩnh. Những chiếc lốp xe ô tô được cắt đôi nối với nhau để làm bãi cát, những chiếc lốp xe máy được gắn với nhau  để cho trẻ chơi bật liên tục qua các vòng, bật chụm tách chân. Hay chúng được gắn với nhau tạo thành con sâu ngộ nghĩnh cho trẻ bò thấp chui qua. Cũng từ những chiếc lốp xe ấy nhờ bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của các cô đã làm ra những cô nàng búp bê thật đáng yêu, như muốn mời gọi các bé vào sân cùng chơi. Ngoài ra những chiếc lốp xe còn được trang trí thành những bể bơi nhiều màu sắc tạo cho khu vui chơi thêm sinh động và phong  phú vừa giúp trẻ được trải nghiệm, vừa giúp trẻ nhận biết được rằng những phế liệu không phải là thứ bỏ đi mà nó còn giúp ích rất nhiều trong cuộc sống của chúng ta. Từ bàn tay khéo léo của các cô giáo đã tạo ra một không gian mới lạ giúp trẻ cảm thấy rằng môi trường xung quanh trẻ thật tươi đẹp và có nhiều điều thú vị để trẻ khám phá và tìm hiểu.
Nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là góc địa phương bởi đó là kết tinh của văn hóa dân tộc nơi đây. Với những đồ dùng do chính tay phụ huynh làm nên phần nào cho thấy sự chung tay góp sức và sự phối kết hợp chặt chẽ để giáo dục con em giữa gia đình và nhà trường. Các vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày cũng như trong lao động như ađư (giỏ), cà-rưa (giỏ to), túp (lồng cơm), quang gánh...được phụ huynh và các cô nuôi dạy trẻ sắp xếp thật đẹp mắt. Những bộ trang phục Bru-Vân Kiều đủ sắc màu, kích cỡ cũng được trưng bày không kém phần hấp dẫn, đủ để níu kéo du khách dừng chân trong hội chợ Xuân.
  Và "Vườn cổ tích" sẽ đưa du khách cùng các cháu lạc vào xứ sở thần tiên. Mặc dù khuôn viên không đủ rộng, nhưng các cô đã dựng nên khu vườn cổ tích có đầy đủ phong cảnh núi non thu nhỏ, cùng với những hình ảnh mô phỏng các nhân vật từ truyện cổ tích như truyện:  “Sự tích Trầu Cau”, “Cây tre trăm đốt”... được tô điểm với những gam màu tươi sáng, bắt mắt, bố trí khoa học có tác dụng gây sự tò mò và hứng thú cao độ để trẻ quan sát, tiếp thu nhanh. Hơn thế nữa, bên cạnh các nhân vật cổ tích, bên trong khu vườn còn có cả cây cỏ, hoa lá, các hình đúc những con thú ngộ nghĩnh và nhiều hoạt họa rực rỡ sắc màu. Với vườn cổ tích này, trẻ không chỉ có những khám phá về thế giới cổ tích, mà còn ứng dụng vào nhiều nội dung khác: khám phá thiên nhiên, môi trường xung quanh. Cứ thế, sau những giờ học, trẻ cùng với cô lại ngược về với miền cổ tích, được thoải mái liên tưởng, sáng tạo ngay cạnh các nhân vật được mô phỏng, hòa cùng với không gian xanh mát mẻ. Hiệu quả giảng dạy nâng cao rõ rệt, từ những hình tượng trực quan sinh động minh họa trẻ sẽ nhớ nhanh hơn, phát triển ngôn ngữ và tư duy logic cũng như hứng thú hơn khi đến trường. Có thể nói "Vườn cổ tích" là sân chơi bổ ích giúp trẻ biết thêm nhiều câu chuyện cổ tích “ngày xửa, ngày xưa” của Việt Nam và thế giới gắn với những nhân vật cổ tích huyền thoại, nuôi dưỡng ước mơ về một “thế giới thần tiên” với những điều kỳ diệu mà hầu như tất cả trẻ em đều ao ước. Qua đó sẽ có những định hướng tốt hơn để chăm sóc, giáo dục trẻ phát triển toàn diện.
Rảo bước trong khuôn viên, ta còn bắt gặp vườn rau tươi tốt. Vườn rau được chăm sóc bởi bàn tay của các cô nuôi. Vào cuối mỗi buổi sau khi công việc nuôi dưỡng của các cô kết thúc, các cô và các cháu sẽ ra vườn trồng và chăm sóc, tưới rau. Nhà trường luôn đặt mục tiêu VSATTP lên đầu nên đã rất chú trọng việc xây dựng mô hình vườn rau. Vườn rau không chỉ phần nào cung cấp rau sạch hàng ngày cho trẻ đảm bảo VSATTP mà trẻ còn được trải nghiệm, được thực hành chăm sóc vườn rau và trẻ được tìm hiếu khám phá, về các loại rau.
Rảo bước xung quanh vườn trường với những bồn hoa, cây cảnh với đầy đủ màu sắc do chính tay các cô tự trồng và chăm chút, nơi chính những mãnh đất khô cằn núi sỏi với bao công sức mà cô giáo và phụ huynh xuống sâu dưới khe để chở từng xe đất về làm cho cảnh quan môi trường của một ngôi trường nơi miền sơn cước như có sự gần gủi với đồng bằng hơn.
  Môi trường trong lớp học cũng được các cô chăm chút và đầu tư. Với niềm say mê yêu nghề các cô đã biến bốn bức tường vô cảm trở thành những không gian vừa học vừa chơi cho các cháu. Các cô đã phân chia thành 5 góc chính: góc xây dựng, góc phân vai, góc học tập, góc nghệ thuật, góc thiên nhiên, cùng 1 số góc bổ trợ khác. Các góc được phân chia rõ rệt. Góc động đặt cạnh góc động, góc tĩnh đặt cạnh góc tĩnh, và góc được thiết kế theo góc mở có sản phẩm của cô và của trẻ, phù hợp với diện tích của lớp... Các góc đều có đầy đủ đồ dùng, đồ chơi phong phú về thể loại:  có đồ chơi mua sẵn, hột hạt đồ chơi lắp ghép và đồ chơi tự tạo do cô và trẻ cùng làm, Ngoài ra các góc còn có đầy đủ cho các chủ đề  để trẻ được hoạt động và vui chơi.
“Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” thực sự là việc giúp giáo viên nâng cao kiến thức, kỹ năng, xây dựng môi trường lớp học đẹp, thân thiện, thu hút trẻ đến trường. Đây cũng là một trong những biện pháp để duy trì sĩ số đạt hiệu quả. Qua kết quả đã cho thấy được tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực của tập thể cán bộ quản lí, giáo viên trường Mầm non Lâm Thủy. Đây cũng là cơ hội để các giáo viên trao đổi kinh nghiệm, phát huy tối đa mọi tiềm năng trong việc làm đồ dùng, đồ chơi tạo môi trường hoạt động tích cực cho trẻ, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục ngày một tốt hơn trong năm học 2019-2020 và những năm học tiếp theo.
                                                                                     
                                                                                                                                                                                                                                                  Hoàng Cúc
 
 
 
 
Tác giả bài viết: Hoàng Thị Cúc
Nguồn tin: Truường MN Lâm Thủy
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

Liên kết website