Như chúng ta đã biết, trong điều kiện kinh tế phát triển, đang trên đà hội nhập, đất nước chúng ta phải giao lưu với nhiều nền văn hoá khác nhau. Làm thế nào để con người "Hoà nhập mà không hoà tan" và trong mỗi chúng ta vẫn giữ được những gì gọi là "Vốn văn hoá của dân tộc Việt” trong thời đại mới, thì việc giáo dục cho trẻ phát triển về trí tuệ thôi là chưa đủ mà phải giáo dục trẻ biết giữ được truyền thống văn hoá vốn có của cha ông ta từ ngàn xưa. Đó chính là nhiệm vụ cần và quan trọng nhất trong các mục tiêu phát triển con người toàn diện hiện nay.
Từ ngàn xưa, kinh nghiệm của cha ông ta đã đúc kết nhiệm vụ học đầu tiên của mỗi con người phải là "Tiên học lễ, hậu học văn" lễ phép là nét đẹp văn hoá được đặt lên hàng đầu khi nhìn nhận và đánh giá về một ai đó mà chúng ta thường bàn luận. Trong thời đại hiện nay tiếp thu nhiều nền văn hoá khác nhau nên đâu đó vẫn còn nhiều câu chuyện thương tâm về đạo đức lễ giáo của con người mà chúng ta đã nghe và thấy trên thông tin đại chúng, trong cuộc sống hằng ngày.
Bên cạnh đó, hiện nay trong mỗi gia đình chỉ sinh từ 1-2 con nên trẻ ngày càng được nuông chiều thái quá. Một số phụ huynh chưa hiểu tầm quan trọng của giáo dục lễ giáo cho con em ở lứa tuổi mầm non, nên thường khoán trắng cho giáo viên.
Ở trường mầm non Lâm Thủy nói chung, thời gian đầu trẻ đến lớp với thói quen tự do, còn sử dụng tiếng mẹ đẻ nhiều, ít nói tiếng Việt, hay nói leo, trả lời có những câu cọc lóc, ra vào lớp tự nhiên...
Đứng trước tình hình như vậy, chúng tôi những giáo viên mầm non rất lo lắng và băn khoăn phải dạy trẻ như thế nào và bằng những biện pháp gì để tất cả trẻ lớp tôi phụ trách có những thói quen và hành vi đạo đức phù hợp với chuẩn mực xã hội. Nhằm hình thành cho trẻ cơ sở ban đầu về nhân cách của con người.
Chúng tôi ân cần hướng dẫn, giáo dục trẻ những hành vi văn hoá trong cuộc sống, dạy trẻ những điều hay lẽ phải: hằng ngày có thái độ đúng với cô giáo và người lớn, bạn bè, có tình yêu đối với mọi sự vật, hiện tượng xung quanh… Dần dần, trẻ ngoan hơn, lễ phép hơn, trẻ được hình thành những thói quen vệ sinh văn minh, biết chào hỏi khi có khách đến, biết trao nhận bằng hai tay, biết quan tâm giúp đỡ bạn bè, cô giáo, ba mẹ, không nói tục, đánh bạn, kính trọng cô giáo và người lớn.
Việc giáo dục lễ giáo cho trẻ mầm non nói chung và trẻ 5 tuổi nói riêng ở vùng dân tộc Vân Kiều có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện về “đức - trí - thể - mĩ”, hình hành cho trẻ nhân cách con người, tạo điều kiện phát triển toàn diện cho trẻ.
Ý kiến bạn đọc